Tin tức

Số liệu tổng kết tình hình lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2022

Ngày 06/01/2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Theo báo cáo tổng kết của Cục Quản lý lao động ngoài nước, một số nội dung hoạt động và kết quả chính đạt được trong năm 2022 như sau:

– Kể từ cuối Quý I năm 2022, dịch bệnh Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, hoạt động kinh tế, xã hội được khôi phục trở lại, các thị trường lao động ngoài nước từng bước được mở cửa và trở lại bình thường, một số thị trường tiếp nhận lao động truyền thống và trọng điểm có dấu hiệu khởi sắc.

– Tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 lao động (48.835 nữ), đạt 158,64 % kế hoạch được giao (90.000 lao động), bằng 316,87 % so với số lượng lao động xuất cảnh của năm 2021 (45.058 lao động). Số liệu lao động xuất cảnh của một số thị trường chính như sau: Nhật bản: 67.295 lao động (29.741 nữ); Đài Loan: 58.598 lao động (17.689 nữ); Hàn Quốc: 9.968 lao động (454 nữ); Singapore: 1.822 lao động (02 nữ); Trung quốc: 910 lao động nam; Hungary: 775 lao động (325 nữ); Rumani: 721 lao động (155 nữ); Ba Lan: 494 lao động (86 nữ); Liên bang Nga: 467 lao động (20 nữ); Malaysia: 399 lao động (298 nữ) và một số thị trường khác.

– Trong năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được Chính phủ và Bộ giao đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định; hoàn thiện, thúc đẩy ký kết cũng như sửa đổi, bổ sung các Thỏa thuận, Bản Ghi nhớ về hợp tác lao động với các nước tiếp nhận; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục giữ vững các thị trường tiếp nhận lao động truyền thống, mở rộng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia Châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan hữu quan của các quốc gia/vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động theo dõi sát sao tình hình của người lao động làm việc ở nước ngoài, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; đẩy mạnh công tác gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp dịch vụ để đào tạo, chuẩn bị nguồn và nâng cao chất lượng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí, cơ quan hữu quan và địa phương trong việc tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

(Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước)

TOP